Lắng đọng cảm xúc về quê hương

- Bạn bè thường ví cây bút Lê Thu, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là bông hoa nở muộn trên cánh đồng văn chương. Anh bảo rằng văn chương của anh cứ tự nhiên, thong dong tràn vào cảm xúc, tràn qua trang giấy tự lúc nào…

Lặng lẽ “duyên nợ” cùng văn chương

Anh Lê Thu công tác trong ngành du lịch nhưng sinh ra vốn là người yêu văn chương, nghệ thuật. Bạn văn chương của anh khá nhiều từ nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Tạ Bá Hương, Đinh Công Thủy… Trước đây, khi là lãnh đạo Ban Quản lý khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), anh phối hợp với nhiều đơn vị trong nước tổ chức trại sáng tác văn chương, hội họa. Người yêu văn học, nghệ thuật trong nước đến đây được trải nghiệm dịch vụ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, được sống trong bầu không khí văn nghệ thực thụ.

Lê Thu là người yêu thích văn nghệ và luôn tôn trọng tài năng của văn nghệ sỹ. Anh cũng có nhiều sáng tác như bút ký, truyện ngắn. Và thật vô tình, một lần anh đăng bút ký “Khi đàn chim trở về” trên trang facebook thì được một tờ báo ngỏ ý muốn đăng bài rồi qua thời gian… nhiều tờ báo khác đặt bài. Vậy là, anh cứ say mê viết, mạch văn của anh cứ tự nhiên tuôn chảy theo xúc cảm. Để rồi mọi thứ cứ tự nhiên, đưa anh vào văn chương một cách lặng lẽ.

Cây bút Lê Thu.

Năm 2021, Lê Thu được kết nạp Hội viên Phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đó cũng chính là “bước đệm” để anh sáng tạo văn chương không ngừng nghỉ…

Anh đam mê viết bút ký. Anh chia sẻ: “Tôi đến với bút ký bằng sự ngẫu nhiên, rồi cảm thấy thích thú, say mê. Bút ký cho tôi thỏa sức bung tỏa với những xúc cảm thăng hoa nhưng lại không thoát ly khỏi hiện thực. Tôi đã đặt chân đến những vùng đất mới lạ để tìm tòi khám phá chứ không phải chỉ để du ngoạn. Được viết về những điều mình đã trải nghiệm chính là niềm hạnh phúc và đam mê của tôi”.

Anh Lê Thu đến với văn chương khá chỉn chu. Làm quản lý trong một cơ quan đơn vị, anh sắp xếp thời gian một cách khoa học để dành trọn vẹn góc nhỏ cho sáng tạo văn chương, sống trọn cảm xúc cho những chuyến đi và tác phẩm bút ký. Những “đứa con tinh thần” của tác giả Lê Thu được đăng tải và đến gần hơn với độc giả.

 “Du lịch xứ Tuyên qua những cung đường bút ký…”

Đó là điều mà anh Lê Thu ấp ủ khi cho ra đời những tác phẩm bút ký của mình. Anh đi nhiều, viết nhiều, cho ra đời những tác phẩm bút ký mang hơi thở cuộc sống: “Thượng Lâm thung lũng huyền thoại”, “Vàng On dòng sông mây lưng núi”, “Miền thổ cẩm trong mây”, “Về miền nỗi nhớ”…

Bút ký của Lê Thu nhẹ nhàng, thủ thỉ đậm chất trữ tình. Mỗi tác phẩm ngồn ngộn tư liệu về mảnh đất quê hương, nét văn hóa, phong tục tập quán: “Từ bên Bình An, chúng tôi thả bộ giữa lưng chừng đèo, men theo con đường cheo leo bám vào triền dốc để ngược lên đỉnh núi. Vừa đi để đôi mắt được thỏa sức ngắm núi, nhìn mây, thảnh thơi để đôi tai được tận hưởng những tiếng lảnh lót của lũ chim rừng và tha hồ được hít thở những mùi hương ban sớm của những đám hoa rừng”. (Miền thổ cẩm trong mây).

Tác giả Lê Thu và các nhà văn trong nước tại Trại sáng tác lý luận phê bình văn học do Tạp chí văn nghệ phối hợptổ chức tại Tuyên Quang.

Ngòi bút của Lê Thu luôn tràn ngập cảm xúc tự hào về quê hương, vẻ đẹp miền sơn cước với lời văn tự nhiên như người kể chuyện chân tình: “Có tiếng reo khe khẽ “ôi, thích quá”. Khi lên hết đỉnh dốc và dừng lại trước cửa chốt bảo vệ rừng. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một thung lũng dài, bốn bề chỉ có rừng cây xanh rì. Ở trên cao, cả bầu trời cũng là một màu xanh thẳm, chỉ có những dải mây trắng xếp thành từng lớp đang vẩn vơ, tha thẩn. Cảm giác ấy, giống như ta vừa rơi vào trong lòng của miệng núi lửa khổng lồ, đã ngủ yên từ hàng triệu năm trước”. (Mùa mới ở bản Bung).

Anh linh hoạt với những trang viết đầy trữ tình, biết cách tái hiện câu chuyện ký ức một cách sinh động, câu chữ tượng thanh, tượng hình khiến bút ký của anh đi vào lòng độc giả. Khi kể về kỷ niệm mùa lũ ở thị xã Tuyên Quang ngày đó, anh viết: “Tiếng gọi, cùng những âm thanh lõm bõm làm tôi choàng tỉnh, khùa tay ra mép phản thấy nước sắp dâng đến gần chỗ ngủ, leo vội lên gác xép thấy chái nhà trống hoác, bên ngoài cha tôi đang dựng thêm mái lều trên chiếc mảng, lúc ấy trời cũng tang tảng sáng… Những hạt mưa bồm bộp, nặng trĩu thi nhau đập vào lều mảng. Đến sáng nước đã ngập lên đến gác xép, nơi an toàn cuối cùng của căn nhà. Cha tôi phá một lỗ trên nóc nhà để lấy bao tải chăn và mấy bộ quần áo, còn tất cả phải bỏ mặc cho nước ngập chìm. Tôi cố lấy cái cặp sách, còn bao tải truyện đành tiếc nuối bỏ lại…”.

Có người cho rằng, người viết ký rất cần đến sức khỏe, bởi sự đòi hỏi của thể loại văn học này. Tác giả Lê Thu cho biết: ngoài phông văn hóa, nhà văn phải có nhu cầu viết những điều mình day dứt, muốn nói những điều cần phải nói ra, nói lên những khát vọng phát triển quê hương, phát triển du lịch của người miền núi.

Bên cạnh sự nhiệt huyết với văn chương, Lê Thu được đánh giá cây viết tay ngang tâm huyết tình yêu con chữ. Nhiều độc giả đưa nhận xét, giọng văn trong mỗi tác phẩm của anh vẫn chưa đa dạng, chưa có sự đổi mới trong cú pháp thể hiện. Mạch văn chủ yếu theo dòng cảm nhận, cảm xúc đơn thuần, chưa tạo được cao trào, tạo nhiều chi tiết ấn tượng trong mỗi bài ký. Nhiều tác phẩm đơn thuần là vừa đi, vừa ghi chép qua cảm nhận của người trong cuộc.

Hiện Lê Thu vẫn cần cù mỗi ngày, rèn giũa và học tập cách thể hiện tác phẩm của mình một cách mới mẻ, đa dạng hơn. Anh hiện chuẩn bị in bút ký “Miền rừng thổ cẩm”. Anh trải lòng: “Anh luôn có những ấp ủ, dự định, tạo động lực văn chương cho riêng mình để thay đổi mỗi ngày”. Là một cán bộ, anh vẫn luôn sắp xếp thời gian một cách khoa học để đi nhiều, viết nhiều những bút ký để làm phong phú tâm hồn mình, để sống trọn với niềm tự hào quê hương xứ Tuyên.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục